Robot chồn chuồn DraBot giúp theo dõi môi trường nước

Robot chồn chuồn DraBot giúp theo dõi môi trường nước

Thứ Tư,
12/05/2021
0

     Sự đẩy mạnh công nghiệp hóa của nhiều quốc gia trong nhiều năm qua đã gây tổn hại đến môi trường vô cùng trầm trọng, những cảnh báo về ô nhiễm nhà kính, ô nhiễm môi trường đất, nước dẫn đến biến đổi khí hậu chính là tác động hai chiều nhân quả mà hiện nay con người đang phải gánh chịu. Riêng tại Việt Nam, năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố. Đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 đã gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển cũng xảy ra trên diện rộng tại đồng bằng sông Cửu Long.

     Để khắc phục các vấn đề môi trường, con người đã cho ra đời rất nhiều phát minh góp phần bảo vệ và nuôi dưỡng lại môi trường xanh, sạch và theo New Atlas đưa tin 29/3, các chuyên gia tại Đại học Duke phát triển robot DraBot có thể lướt trên mặt nước và phát hiện dầu tràn, sự thay đổi về axit, nhiệt độ hay những điểm bất thường mà không cần mạch điện tử.

     DraBot là robot mềm, lấy cảm hứng từ tự nhiên với vẻ ngoài giống chuồn chuồn. Robot dài 5,7 cm, với cơ chế hoạt động như sau: Bên trong là hệ thống rãnh siêu nhỏ nối với các ống silicon mềm dẻo dùng để bơm khí vào cánh. Khí thoát ra qua các lỗ ở phía sau, đẩy robot lướt đi trên nước. Các bộ truyền động có thể giúp hạ thấp cánh sau, khiến luồng khí bị chặn và DraBot đứng yên. Bằng cách này, các chuyên gia điều khiển được cánh và hướng bơi của robot.

 

     Để giúp DraBot theo dõi tính axit trong môi trường nước, nhóm nghiên cứu sử dụng loại hydrogel tự lành mà họ chế tạo trong dự án nghiên cứu trước. Khi tính axit thay đổi, hydrogel phản ứng bằng cách tạo ra những liên kết mới bên trong. Các nhà khoa học phủ vật liệu này lên hai cánh DraBot. Khi tới vùng nước có tính axit cao, một cánh trước và một cánh sau sẽ dính vào nhau. Khi mức pH trở về bình thường, hai cánh tách ra và robot có thể tiếp tục hoạt động.

 

     Để giúp DraBot vừa lướt đi trên mặt nước, vừa phát hiện và dọn dầu tràn, phát hiện dấu  hiệu rạn san hô bị tẩy trắng hay tảo nở hoa qua sự thay đổi của nhiệt độ nước, nhóm nghiên cứu cũng bổ sung bọt biển và vật liệu nhạy nhiệt cho DraBot. Khi nó di chuyển trên mặt nước và phát hiện dầu, bọt biển sẽ hút dầu rồi đổi màu. Khi nhiệt độ nước cao bất thường, cánh robot chuyển từ màu đỏ sang vàng.

 

     Nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục cải tiến DraBot trong tương lai. Ví dụ, trang bị cho DraBot động cơ đẩy để loại bỏ ống silicon, bổ sung camera và cảm biến để tăng cường khả năng giám sát môi trường. Tóm lại, Robot chuồn chuồn DraBot đã đóng vai trò vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với việc bảo vệ và khắc phục những vấn đề môi trường nước, được kì vọng thêm nhiều cải tiến hữu ích và sử dụng rộng rãi hơn trong tương lai.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: